Chẳng biết tự bao giờ hương bưởi trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong bài Hương Thầm nữ thi sỹ Phan Thị Thanh Nhàn đã dùng hương bưởi để thể hiện tình yêu vừa đằm thắm kín đáo, vừa mãnh liệt dữ dội của cô gái đối với chàng trai “ngày mai ra trận”: “… Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/không giấu được cứ bay đi dịu nhẹ/cô gái như chùm hoa lặng lẽ/nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An…”. Xưa kia, Hà Nội không đông đúc, chen chúc như bây giờ, xóm làng bình yên, hương bưởi cứ phảng phất trong những căn nhà như quấn quýt, vương vấn không rời. Người Hà Nội xưa không những sâu sắc mà còn rất tinh tế vì thế nên “mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi” cũng là lúc đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị tìm cách níu giữ hương bưởi nồng nàn trong từng khúc mía còn thơm mùi mật và cũng từ đó mía ướp hương bưởi trở thành thức quà riêng có, không thể thiếu mỗi dịp cuối xuân với người dân Hà thành. Míaướp hương bưởi - một món ăn bình dân mà thanh nhã, toát lên nét thanh lịch của con người nơi đây.
Để có được món mía ướp hoàn hảo thì ngoài việc chọn mía, khâu lựa hoa bưởi cũng đòi hỏi sự kỹ càng. Tôi thường theo mẹ ra vườn chọn những bông cứng cáp, đài to, tươi tắn và vừa chớm nở, với kinh nghiệm do bà truyền lại mẹ vừa lựa hoa vừa giảng giải cho tôi, nếu cánh hoa uốn quá cong thì đó là những bông đã nở từ hôm trước, hương hoa đã bay đi ít nhiều còn nếu cánh hoa vừa chớm thì chưa đủ chín để tỏa hương. Hoa bưởi không nên hái quá sớm hay quá trưa mà tốt nhất là lựa bông vào lúc nắng mới lên, khi ấy hoa đượm hương nhất.
Thời gian trôi, bà tôi khuất núi, mẹ cùng những người đồng trang lứa phải xoay vần để theo kịp cuộc sống thời mở cửa, món ăn thanh tao mà dân dã của một thời cũng dần rơi vào quên lãng, nhịp sống hiện đại đã tạo nên một quỹ thời gian chật hẹp cho mỗi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét