Ai yếu bóng vía, lần đầu cưỡi voi có lẽ sẽ là nỗi khiếp sợ bởi cái chênh vênh, thân hình xù xì thô ráp và có phần hung dữ. Chả thế mà nhiều cô gái chỉ dám leo lên lưng voi chụp tấm ảnh kỷ niềm rồi nhăn nhó... đòi xuống.
Hết một con dốc cao, những bước chân bỗng chậm lại, dòng Serepock chợt hiện ra cuồn cuộn. Quản tượng thúc voi lội sông, men theo bờ rồi tiến ra gần giữa dòng. Thú thật đến lúc này tôi cũng hơi run khi thấy chú voi cứ dò dẫm, nhiều lúc khựng lại rồi bất ngờ thụt xuống lớp bùn cát dầy.
Chưa bao giờ mặt sông gần đến vậy trên lưng một con vật cao 2,5m. Người quản tượng thúc voi đi tiếp, hướng đến đoạn lòng sông cao và an toàn hơn. Những mệnh lệnh chính xác, bình tĩnh khiến du khách yên lòng. Voi lầm lũi tiến vào bờ, bỏ lại dòng sông Serepock đỏ ngầu cuộn chảy. Khi bóng chiều chạng vạng cũng là lúc những quản tượng thả voi vào rừng. Sáng hôm sau, những chú voi lại được đưa về nơi tập kết ở bản Đôn để phục vụ khách du lịch.
Ở Buôn Ma Thuột có 2 nơi có thể cưỡi voi thăm thú là bản Đôn và hồ Lắc. Tuy nhiên, bản Đôn được biết đến nhiều hơn bởi đây là vùng đất nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngoài cưỡi voi, những câu chuyện về vua săn voi A Ma Kong huyền thoại trong ngôi nhà sàn cổ, như một thứ đặc sản khác đối với du khách. Trong ngôi nhà sàn này trưng bày đầy đủ các hiện vật và dụng cụ săn voi của người bản Đôn, từ cái dây chão trâu, tấm da đến cây giáo dài thuần voi...
Nếu như cưỡi voi ở bản Đôn cho cảm giác mạnh hơn khi lội dòng Serepock, thì cưỡi voi ở hồ Lắc lại cho cảm giác yên bình, hiền hòa hơn. Mặt hồ phẳng lặng, mát dịu, những chú voi cũng hiền hòa hơn. Tuy nhiên để an toàn, du khách vẫn được yêu cầu mặc áo phao. Voi lội ra giữa hồ trong cái se se lạnh của núi rừng. Từng tốp đi trật tự theo hàng lối cho du khách những trải nghiệm thật thú vị, hòa mình vào thiên nhiên, đắm chìm trong làn nước mát của núi rừng hùng vĩ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét