Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012


Cảm xúc Genève


Bách bộ xuống khu phố thấp hơn, chúng tôi qua chiếc cầu bắc ngang hồ Léman để ngắm cột nước trắng xoá và những đàn thiên nga, những chú vịt lớn bơi lội yên bình trên mặt nước phẳng lặng. Bầu không gian hoà bình khiến con người và cảnh vật như giao hoà cùng nhau.



Chị Phương Thảo, một khách du lịch Việt Nam chia sẻ: “Những người đến với Thuỵ Sĩ tìm thấy Genève có một nét đẹp riêng. Đó là địa hình thoai thoải sườn đồi mà tôi liên tưởng giống Đà Lạt của Việt Nam, nhưng nó có nét duyên dáng riêng với khí hậu se se lạnh. Hồ nước Léman rất là đẹp, cảnh vật lãng mạn, con người hồn hậu. Nói chung đây là thành phố đáng để đến, đi, xem và chiêm nghiệm…”


Ai cũng nhận thấy mức sống của người Thuỵ Sĩ khá cao qua vẻ bề ngoài sang trọng, thong dong và cũng đủ độ hồn hậu khi tiếp xúc. Nhưng tiếp tục đi trên các tuyến phố tới công viên có chiếc đồng hồ hoa lớn, chúng tôi lại bắt gặp đoàn người đi dọc các tuyến phố biểu tình. Họ hát vang ca khúc- là khẩu hiệu cùng nhau đoàn kết. Vậy là thành phố tưởng như rất yên bình vẫn có những gợn sóng của một thế giới bất ổn với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chị Thu Thuỷ, một khách du lịch Việt Nam khác nói: “…Tôi đi thăm công viên, hồ nước với những đàn thiên nga, cảm nhận một sự yên bình tạm thời… Ngay sau đó tôi được chứng kiến một đoàn biểu tình của những người hộ lý. Tôi nhìn biểu ngữ, cho biết là họ có mức lương quá thấp so với đời sống. Điều đó chứng tỏ Thuỵ Sĩ tuy là quốc gia có mức sống cao nhưng bên cạnh đó, cũng như nhiều quốc gia khác đang trong khủng hoảng kinh tế, vẫn có những nhóm người cụ thể đang gặp khó khăn, và tôi nghĩ đó là vấn đề của toàn cầu...”


Đan xen với hơi thở của đời sống hiện đại, Genève vẫn giữ nét cổ kính của thành phố Châu Âu mang nhiều dấu ấn Pháp. Người dân chủ yếu nói tiếng Pháp. Trên đường phố, có những ngày diễn ra lễ hội truyền thống. Chị Đoàn Thị Hà, một du khách, kể: “Tôi đi đến quảng trường toà nhà Liên Hiệp Quốc, nhà thờ, công viên, hồ nước, cảng nhỏ ven hồ và những con phố nhỏ… Tình cờ tôi lại được chứng kiến một lễ hội của Genève kỷ niệm ngày chiến thắng. Người ta kể, trước kia có một công tước muốn chiếm nơi này và người dân thành phố đã chống lại. Lễ hội diễn lại những đội quân mặc trang phục cổ xưa đi trên phố, tả lại cảnh người ta dùng đại bác bắn từ trên xuống, mà từ đồi cao và nhà thờ có thể nhìn bao quát tất cả những người dân từ nhiều nơi đến tham dự lễ hội…”



Ở giai đoạn nào của lịch sử cũng vậy, muốn giữ gìn nền hoà bình đều phải có những nỗ lực lớn của cả cộng đồng. Tôi đứng giữa quảng trường Nation, suy tư ngắm nhìn chiếc ghế gỗ cao 12 m có 4 chân mà một chân bị cháy xém. Chiếc ghế này do nghệ sĩ Daniel Berset người Thuỵ Sĩ sáng chế và Louis GENE là người thực hiện, được đặt tại quảng trường từ năm 1999. Đây là biểu tượng chống lại bom mìn gây sát thương cho trẻ em ở những nước còn tàn dư chiến tranh. Tác giả Thanh Thủy và chiếc ghế gỗ tại quảng trường Nation Nhìn hình ảnh đó tôi nhớ về thế hệ cha mình từng lặn lội vào tuyến lửa Quảng Bình để đưa những nạn nhân chiến tranh tiêu biểu trong ngàn vạn nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam tới Hội nghị quốc tế Stockholm Thuỵ Điển năm 1967. Đó là em bé Đỗ Văn Ngọc, năm đó mới 9 tuổi quê Quảng Bình, bị bom Napal cháy bộ phận sinh dục; cô giáo Ngô Thị Nga bị một viên bi của bom bi trong đầu; anh Hoàng Tấn Hưng quê ở Quảng Ngãi, nạn nhân bom lân tinh… Khi những nhân chứng chiến tranh ấy đến hội nghị Stockholm, cha tôi kể, cả hội trường đã khóc như mưa và lập tức sau đó các đoàn biểu tình nổ ra ở khắp các nước trên thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc. Giờ đây, đứng giữa Genève, một thành phố quốc tế hoá, một thành phố toàn cầu hoá với rất nhiều trụ sở của Liên hiệp quốc mà hàng năm ở đây diễn ra hàng nghìn cuộc họp, tôi rưng rưng nhớ về cuộc chiến tranh gian khổ bao thế hệ cha anh đã trải qua, lòng đầy biết ơn bè bạn năm châu đã đồng hành với Việt Nam cùng vượt qua những thăng trầm của lịch sử.


Tác giả Thanh Thủy và chiếc ghế gỗ tại quảng trường Nation

Xem bài viết đầy đủ

Tagged: , , , , , ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cùng Chia Sẻ © 2013 - Nghe Đọc Truyện Online